Tìm hiểu về ngành ĐIỆN & tác động của Quy hoạch điện VIII vừa ban hành ngày 15/05/23 (2)
Phần II: Đánh giá tiềm năng ngành ĐIỆN
Chuỗi Giá Trị của ngành Điện
Điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt, toàn bộ chuỗi giá trị phải diễn ra đồng thời từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, không qua một thương mại trung gian nào. Điện được sản xuất ra khi đủ khả năng tiêu thụ vì đặc điểm của hệ thống điện là ở bất kỳ thời điểm nào cũng phải có sự cân bằng giữa công suất phát ra và công suất tiêu thụ.
Trên sàn HOSE và HNX có hơn 20 doanh nghiệp niêm yết thuộc chuỗi giá trị ngành điện. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc phân khúc phát điện. Chỉ có 01 doanh nghiệp thuộc phân khúc phân phối/ bán lẻ điện là KHP, và một vài doanh nghiệp còn lại thuộc nhóm doanh nghiệp phụ trợ cho chuỗi giá trị ngành như các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp điện (PC1, FCN, PVS, nhóm VNE và các công ty con/công ty liên kết…), các doanh nghiệp tư vấn thiết kế (TV1, TV2, TV3,…).
Tiềm năng doanh nghiệp điện nhìn từ quy hoạch điện 8
Trước đây nếu quy hoạch điện 7 điện than là xu hướng chung của ngành điện khu vực ĐNA thì theo quy hoạch điện 8, điện khí sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Điện than
Theo nội dung quy hoạch, các nhà máy điện than trên 40 năm sẽ phải dừng vận hành, trong khi các nhà máy khác sẽ phải nghiên cứu đốt kèm thêm amoniac sau 20 năm hoạt động. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép thấp 2% giai đoạn 2021-30 sau đó giảm 1% giai đoạn 2030-50, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện. Như vậy QHĐ8 đưa ra lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than hướng tới mục tiêu giảm phát thải.
Rất rõ ràng, các doanh nghiệp điện than sẽ gặp khó khi mà trong ngắn hạn điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát, nhưng trong dài hạn triển vọng sẽ bị thu hẹp lại dần do không còn là nguồn ưu tiên phát triển. Thêm vào đó là quá trình chuyển đồi xanh sẽ khiến nguồn điện này vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nhóm nguồn phát khác.
Điện khí:
QHĐ8 cho biết nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-30 với tăng trưởng kép đạt 26%, chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Định hướng trong 2030-50, phát triển điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất trong 2050.
Đại diện cho doanh nghiệp điện khí niêm yết trên sàn là NT2 và POW.
NT2 có ưu điểm sở hữu nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2. Đây là một trong những nhà máy điện lớn nhất khu vực phía Nam, gần trung tâm phụ tải miền Đông Nam Bộ. Nhờ vị trí thuận lợi, NT2 thường được ưu tiên huy động để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, đặc biệt là vào mùa khô.
Thách thức lớn nhất với NT2 đó là rủi ro tỷ giá. NT2 có các khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD và EUR rất lớn, do đó kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng mạnh của rủi ro tỷ giá.
Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (POW) chính là cổ đông lớn của NT2, nắm giữ 59% cổ phần (số liệu ngày 29/06/2019 - cafef).
POW là Tổng Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV do Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN là nhà cung cấp nhiên liệu khí chính cho ngành điện) đầu tư 100% vốn. PVN đã có 9 nhà máy điện đi vào vận hành sản xuất, bao gồm 04 nhà máy tuabin – khí chu trình hỗn hợp (nhà máy Cà Mau 1,2, Nhơn Trạch 1,2), 03 nhà máy thủy điện (Hủa Na, Nậm Cắt, Đăkđrinh), nhà máy phong điện Phú Quý và nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1.
Với cơ cấu gồm nhiều mảng kinh doanh thì POW có phần khó đánh giá chi tiết để đầu tư hơn là NT2.
Nhờ định hướng quy hoạch điện 8, giai đoạn sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt dự án điện khí. POW sẽ hưởng lợi với dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đi tiên phong và dự án LNG Quảng Ninh. Ngoài ra, PVGas sẽ là bên phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Thủy điện
Thủy điện là một trong những loại năng lượng rẻ nhất lại có tuổi thọ rất lâu. Các nhà máy thuỷ điện dù có doanh thu không cao do phụ thuộc vào điều kiện thuỷ văn, nhưng biên lợi nhuận gộp lại cao hơn so với các nhà máy nhiệt điện do không tốn chi phí nhiên liệu đầu vào nên giá vốn thấp. Chi phí đầu tư ban đầu và chi phí khấu hao chính là khoản chi phí lớn nhất đối với các nhà máy này.
Định hướng trong QHĐ8, công suất thủy điện tăng trưởng kép 1% trong 2021-2050 do nguồn điện này về cơ bản đã gần hết tiềm năng khai thác, chỉ còn dư địa để phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Ở khía cạnh khác, QHĐ8 đã mạnh dạn đề cao hơn việc phát triển các nguồn điện linh hoạt khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ, và các nguồn điện sinh khối.
Đại diện cho doanh nghiệp thuỷ điện niêm yết trên sàn là VSH, CHP…
Các cổ phiếu của doanh nghiệp thuỷ điện thường có khối lượng giao dịch khá thấp nên khá khó để NĐT cá nhân giao dịch.
Điện gió và Điện mặt trời
Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm năng lượng tái tạo, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn tới. QHĐ8 dự kiến điện gió sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021-2030, và 6% trong 2030-2050, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này. Bên cạnh đó, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển 6.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên từ nay đến 2030, sau đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 15% trong 2030-50, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
Điện mặt trời dự kiến sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt 2020-21. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời tăng khiếm tốn trong 2021-30 sau đó tăng mạnh 13% từ 2030-50, chiếm 33% tổng công suất.
Như những nhận xét rút ra từ phần 1, khi đánh giá các doanh nghiệp sản xuất điện tiềm năng ngành điện mình dựa vào 3 yếu tố: Quy hoạch & chính sách, Thời tiết, Khả năng cạnh tranh của các nguồn điện. Rõ ràng khi QHĐ8 được ban hành, nhóm các doanh nghiệp sản xuất thuộc điện khí và điện gió sẽ chiếm lợi thế hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phụ trợ như xây lắp và tư vấn thiết kế là nhóm sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Các doanh nghiệp phụ trợ: xây lắp hạ tầng, tư vấn thiết kế…v..v…
Định hướng rõ ràng hơn trong QHĐ8 đem đến lợi ích rõ ràng nhất cho những doanh nghiệp phụ trợ nhờ khối lượng công việc khá cao trong kế hoạch của QHĐ8, đặc biệt trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo.
Theo đó, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án điện có thể kể đến đó là: PC1 - EPC điện gió và xây lắp điện; FCN - BOP dự án điện gió; TV2 - Xây lắp, tư vấn thiết kế vận hành nhà máy; PVS - lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng cho dự án điện gió ngoài khơi. GAS cũng sẽ được hưởng lợi chính trong giai đoạn phát triển này do thực hiện phát triển các dự án kho cảng LNG.
Bài đánh giá tiềm năng PVS - Sẵn sàng cho một chu kỳ rực rỡ (bài viết tháng 02/2023)
Ngoài ra việc phê duyệt QHĐ8 cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí giá trị hàng tỷ USD bị đình trệ lâu năm như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới.